Info

Tổ chức Ngày chính hội Hội thảo quốc gia UNC2024: Kết nối – Hội tụ – Truyền cảm hứng

Ngày 20/4/2024 đã diễn ra Ngày chính hội của Hội thảo quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” năm 2024 (UNC2024). Đây là hoạt động khoa học thường niên do Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức và đã thu hút đông đảo đại biểu trong và ngoài nước tham gia. (Nguồn tại đây)

Với mong muốn kết nối được rộng rãi các học giả trong và ngoài nước, Ngày chính hội năm nay được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp tại trường, trực tuyến qua nền tảng Zoom.

Một điểm mới nổi bật tại Ngày chính hội UNC2024 là đã sử dụng 2 MC AI với sự hỗ trợ của công ty Saltlux Technology. Nhà trường và công ty đã nghiên cứu, xây dựng và đặt tên cho hai nhân vật là Ulyssa và ULISes dựa trên thần thoại Hy Lạp Odysseus với mong muốn hai nhân vật này sẽ truyền cảm hứng về hành trình sáng tạo và đổi mới không ngừng, đúng với tinh thần của hội thảo UNC năm 2024 nói riêng và của ULIS nói chung.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, các nhà tài trợ, trường đại học, học viện và các đơn vị đào tạo, nghiên cứu, quản lý đối tác trong và ngoài nước; lãnh đạo và cán bộ, giảng viên, giáo viên Trường Đại học Ngoại ngữ; cùng đông đảo nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long chia sẻ: “Trong thời gian gần đây, ngày chính hội UNC2024 đã được Trường Đại học Ngoại ngữ tích cực truyền thông rộng rãi với ba từ khóa là: ‘Kết nối – Hội tụ – Truyền cảm hứng’. Được khởi động từ tháng 9 năm 2023, UNC2024 đã tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo trong và ngoài trường, kết hợp với các diễn giả trong và ngoài nước, đặc biệt là có sự phối hợp của các doanh nghiệp. Trường Đại học Ngoại ngữ ghi nhận sự nỗ lực của tất cả các diễn giả, nhà tài trợ, đại biểu đã tham gia và đóng góp cho chương trình hội thảo trong suốt một năm vừa qua.’’

Video tổng kết các sự kiện trước ngày chính hội

Tri ân các nhà tài trợ

Tại phiên toàn thể đã có 2 báo cáo được trình bày.

“Không chỉ là ngữ pháp: Vén màn bí mật những vấn đề cốt yếu trong giảng dạy và đánh giá năng lực tương tác bằng ngôn ngữ thứ hai” là chủ đề của báo cáo đầu tiên. Báo cáo được trình bày bởi PGS.TS. Sun-Young Shin – Đại học Indiana (Hoa Kỳ) và được dịch, hội đàm bởi PGS.TS. Lâm Quang Đông, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN).

Báo cáo chỉ ra rằng, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều sự quan tâm dành cho vấn đề giảng dạy và đánh giá năng lực tương tác nói của người học ngoại ngữ/ngôn ngữ thứ hai. Năng lực tham gia tương tác hiệu quả với người khác cũng quan trọng như năng lực sử dụng ngoại ngữ chuẩn xác về ngữ pháp hay cách phát âm. Mặc dù nhận thức được điều này, nhiều giáo viên dạy ngoại ngữ và ngôn ngữ hai vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc xây dựng các mẫu tương tác và đánh giá năng lực tương tác của người học. Để tìm hiểu những thách thức nội tại trong đánh giá năng lực tương tác bằng ngoại ngữ/ngôn ngữ thứ hai của người học, bài báo cáo này thảo luận các vấn đề ở các khía cạnh lý thuyết và thực tiễn. Bài báo cáo đi sâu phân tích sự phức tạp trong xác định khái niệm năng lực tương tác và các vấn đề thực tiễn trong phát triển và đánh giá năng lực tương tác bằng ngoại ngữ/ngôn ngữ thứ hai. Đồng thời hai diễn giả cũng giới thiệu những thành tựu nghiên cứu cập nhật trong lĩnh vực giúp mang lại những hiểu biết sâu sắc về đánh giá năng lực tương tác bằng ngoại ngữ/ngôn ngữ thứ hai. Bằng việc kết hợp thảo luận các khung lý thuyết, các công cụ thực tiễn, và những kết quả nghiên cứu cập nhật, bài báo cáo hướng tới mục tiêu cung cấp tổng quan đa chiều về đánh giá năng lực tương tác bằng ngoại ngữ/ngôn ngữ thứ hai.

“Khi Tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc trong kì thi THPTQG: Thách thức hay cơ hội cho việc dạy và học tiếng Anh ở trường phổ thông” là nội dung báo cáo do TS. Đỗ Tuấn Minh và TS. Vũ Thị Thanh Nhã trình bày.

Theo báo cáo chia sẻ, ngày 28/11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025”, đưa môn tiếng Anh thành môn thi tự chọn. Trong bối cảnh thay đổi mạnh mẽ việc dạy và học môn tiếng Anh trong những năm gần đây, chính sách này đã nhận được nhiều ý kiến và tạo áp lực thay đổi cách dạy và học cho giáo viên. Bài trình bày làm rõ cơ sở thực tiễn của chính sách trên, những thách thức và cơ hội chính sách mang lại đối với việc dạy và học môn tiếng Anh ở bậc phổ thông. Đặc biệt, bài tham luận được trình bày dưới dạng thức một cuộc đối thoại giữa hai giảng viên đại học, những người đang tham gia trực tiếp vào các hoạt động xây dựng chương trình, bồi dưỡng giáo viên, biên soạn tài liệu giảng dạy tiếng Anh ở phổ thông. Câu chuyện của hai thầy cô đã kết nối những trải nghiệm thực tế của việc dạy, học và kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh ở phổ thông, những trăn trở của đội ngũ giáo viên đứng lớp, những vấn đề khó giải quyết của các nhà quản lý với những đề xuất mang tính gợi mở về cách dạy, cách học khi mà tiếng Anh được trả về đúng với ý nghĩa, vị trí và vai trò của nó trong nhà trường. Cuộc đối thoại xoay quanh chữ THỰC trong cách tiếp cận với môn tiếng Anh của cả thầy, trò và các nhà quản lý.

Cũng tại phiên toàn thể đã có phần hội nghị thảo luận bàn tròn với chủ đề: “AI với các trường đại học đào tạo ngoại ngữ: sức ép hay cơ hội?”. Phiên thảo luận có sự tham gia của các khách mời: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học Thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS. Nguyễn Văn Long – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng; PGS.TS. Phạm Vũ Phi Hổ – Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ – Trường Đại học Văn Lang; TS. Bảo Khâm – Chủ tịch Phân hội Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong dạy học ngôn ngữ, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.

Sự phát triển vượt bậc của làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã và đang tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục ngoại ngữ. Xu hướng ứng dụng AI vào việc đào tạo ngôn ngữ đang trở thành phương pháp tối ưu mà các trường đại học hướng tới. Điều này đặt ra nhiều nghi vấn trong giới chuyên gia liên quan đến tác động nhiều mặt của AI đến các lĩnh vực đào tạo. Phiên thảo luận tập trung bàn luận về sức ép và cơ hội của ứng dụng AI đối với việc học và giảng dạy ngôn ngữ ở các trường đại học đào tạo ngoại ngữ. AI có thể mang đến nhiều cơ hội cho các trường nhưng cũng đặt ra một số thách thức và sức ép cho các cơ sở đào tạo ngoại ngữ chuyên môn. Đối mặt với những thách thức mang tính “sức ép” này, những giải pháp được các chuyên gia đề xuất trong phiên thảo luận bàn tròn là rất cần thiết. Những đề xuất mang tính xây dựng này đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố và tối ưu hoá việc ứng dụng AI trong việc giảng dạy ngoại ngữ ở ULIS cũng như các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực.

Kết lại hội nghị bàn tròn, các khách mời đã tổng kết một số từ khóa như thông điệp gửi đến hội thảo: “Cách mạng, hỗ trợ, tiềm năng, đột phá.’’

Ngoài phiên toàn thể, các đại biểu đã có cơ hội tham gia và lắng nghe, trao đổi tại 24 tiểu ban song song. Với tiêu chí đa dạng hóa hình thức thể hiện, đã có 178 báo cáo trực tiếp, 23 bản ghi video, 39 poster, 18 tọa đàm được lựa chọn trình bày, chia sẻ tại các tiểu ban. Kỷ yếu hội thảo đã chọn lọc và đăng 102 bài toàn văn.

Các báo cáo khoa học năm nay có nội dung khá đa dạng và phong phú, tập trung vào các lĩnh vực như ngôn ngữ học, giảng dạy ngôn ngữ, bao gồm cả ngoại ngữ và tiếng Việt cho người học ở các cấp học, cải tiến phương pháp dạy-học ngoại ngữ, quốc tế học, văn hóa, văn học, chính trị, kinh tế, tâm lý học, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ, công nghệ trong giáo dục ngoại ngữ,… đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu, giảng dạy và học tập cũng như trao đổi khoa học trong bối cảnh toàn cầu hóa và việc tích cực hội nhập quốc tế của đất nước.

Mỗi báo cáo mang tới hội thảo những kết quả nghiên cứu đặc sắc, những góc nhìn mới lạ, kinh nghiệm, tâm huyết và cả các ý tưởng nghiên cứu mới. Từ đó, các nghiên cứu có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy sự phát triển trong công tác dạy học ngoại ngữ, nghiên cứu ngôn ngữ và quốc tế học ở Việt Nam.

Chia sẻ hội thảo, cô Tạ Thị Thanh Tâm đến từ Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ: “Cảm nhận của tôi khi tham gia ngày chính hội là tính từ lúc nhận được thiệp mời đến giờ là Ban Tổ chức rất chuyên nghiệp. Ngày hội hôm nay đúng thật sự là một ngày hội, rất vui. Báo cáo tại các tiểu ban có chất lượng cao, rất đáp ứng kỳ vọng của tôi về chương trình do Trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức.”

Với khẩu hiệu “Hội tụ – Kết nối – Truyền cảm hứng”, Ngày chính hội Hội thảo UNC2024 đã khép lại sau thời gian làm việc sôi nổi. Ban Tổ chức cũng đã công bố logo của UNC2025 với quyết tâm tăng cường tính quốc tế trong chương trình năm tới.

Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội trân trọng gửi lời tri ân tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã nhiệt tình ủng hộ và tài trợ cho các hoạt động khác nhau của UNC2024, bao gồm: Saltlux Technology, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội, Công ty TNHH Giáo Dục ICF Language, Trung tâm Tiếng Đức Rubin.